Thẩm định các bước thiết kế, dự toán theo Luật Xây dựng

Bộ Xây dựng phúc đáp Sở Xây dựng Hà Nội một số nội dung liên quan đến việc thực hiện thẩm định các bước thiết kế, dự toán theo Luật Xây dựng 2014.

tham-dinh-thiet-ke-du-toan-theo-luat-xay-dung


Ảnh minh họa.

1) Vốn nhà nước ngoài ngân sách để đầu tư xây dựng gồm: vốn nhà nước theo quy định của Luật Đấu thầu và Luật Đầu tư công trừ vốn ngân sách nhà nước.

2) Về phân cấp thẩm quyền thẩm định dự án, thiết kế và dự toán xây dựng: riêng đối với thành phố Hà Nội, Sở Xây dựng có thể tham mưu cho UBND thành phố ban hành văn bản quy định tạm thời theo hướng: giao cho Phòng có chức năng quản lý xây dựng thuộc UBND cấp huyện chủ trì thẩm định dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước có yêu cầu lập Báo cáo kinh tế – kỹ thuật do UBND cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư.

3) Về thẩm quyền thẩm định thiết kế cơ sở của dự án sử dụng vốn khác, dự án thực hiện theo các hình thức hợp đồng dự án, hợp đồng đối tác công tư: Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở của công trình có quy mô từ cấp II trở xuống thuộc đối tượng công trình công cộng, công trình có ảnh hưởng lớn đến cảnh quan, môi trường và an toàn của cộng đồng; chủ trì thẩm định thiết kế cơ sở của dự án từ nhóm B trở xuống thực hiện theo các hình thức hợp đồng dự án (BT, BOT, BTO), hợp đồng đối tác công tư (PPP).

4) Về thẩm định tổng mức đầu tư của dự án: nội dung thẩm định về tính hiệu quả của dự án (bao gồm cả tổng mức đầu tư) được quy định tại Khoản 3 Điều 58 Luật Xây dựng 2014. Do đó, đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, nội dung thẩm định dự án tuân thủ theo quy định tại Điều 58 Luật Xây dựng 2014.

5) Về thẩm quyền thẩm định thiết kế và dự toán xây dựng: với việc quy định rõ về nguồn vốn ngân sách, nhà nước ngoài ngân sách và vốn khác thì thẩm quyền thẩm định thiết kế và dự toán xây dựng theo quy định tại Mục IV Văn bản số 3482/BXD-HĐXD ngày 30/12/2014 của Bộ Xây dựng là cụ thể và đủ cơ sở để triển khai thực hiện.

6) Về thẩm quyền phê duyệt thiết kế và dự toán xây dựng: Việc ủy quyền cho đơn vị trực thuộc phê duyệt thiết kế và dự toán xây dựng thuộc thẩm quyền của người quyết định đầu tư theo quy định tại Điểm a, Khoản 1, Điều 72 Luật Xây dựng 2014.

7) Xử lý chuyển tiếp đối với thiết kế và dự toán xây dựng của công trình phê duyệt sau ngày 01/01/2015 nhưng đã gửi hồ sơ trình thẩm tra đến cơ quan chuyên môn về xây dựng:

– Đối với công trình thuộc đối tượng có yêu cầu thực hiện thẩm định theo quy định tại Điều 82 Luật Xây dựng 2014: điều chỉnh nội dung hồ sơ thiết kế theo quy định tại Điều 79, Điều 80 Luật Xây dựng 2014 và thực hiện thẩm định theo quy định tại Điều 82 Luật Xây dựng 2014.

– Đối với công trình không thuộc đối tượng có yêu cầu thực hiện thẩm định theo quy định tại Điều 82 Luật Xây dựng 2014: thực hiện thẩm định theo quy định tại Điểm b, Khoản 3, Điều 82 Luật Xây dựng 2014.

Để lại một bình luận

Trả lời